Bạn là vừa thắng kiện trong một vụ tranh chấp ở Tòa án? Bạn muốn tổ chức Thừa phát lại thi hành bản án đó cho bạn? Dưới đây là một số nội dung cần biết về quá trình thi hành án tại tổ chức Thừa phát lại để bạn tham khảo:
Thi hành án là gì?
Khi các cá nhân, tổ chức phát sinh tranh chấp và yêu cầu Tòa án giải quyết, phán quyết của Tòa án chỉ là kết quả về mặt pháp lý. Để bảo vệ quyền lợi của mình trên thực tế, bên thắng kiện phải yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án được gọi là thi hành án.
Ngày nay, pháp luật cho phép Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền thi hành án tương tự như Chi cục thi hành án. Tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn dịch vụ thi hành án một cách tốt nhất để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình.
Thẩm quyền thi hành án của Văn phòng Thừa phát như sau:
Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở tại quận, huyện nào thì có thẩm quyền Thi hành án tương tự Chi Cục Thi hành án dân sự Quận, huyện nơi văn phòng Thừa phát lại có trụ sở. Tức là, Văn phòng được quyền trực tiếp tổ chức thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định:
a) Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực của Tòa án quận, huyện nơi văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở;
b) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án Quận, huyện nơi văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở;
c) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp quận huyện.
Thừa phát lại có thể tổ chức thi hành các vụ việc nói trên ngoài địa bàn quận, huyện nơi nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở nếu đương sự có tài sản, cư trú hay có các điều kiện khác ngoài quận, huyện nơi văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.